100% lượng chất thải y tế nguy hại (CTYTNH) phát sinh trên địa bàn tỉnh được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Là mục tiêu được đề ra tại Kế hoạch số 786/KH-UBND về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2025.
Hiện trạng rác thải y tế trên địa bàn
Theo báo cáo thống kê năm 2017, mỗi ngày tổng lượng CTYTNH phát sinh tại các bệnh viên, trung tâm y tế trong tỉnh Nghệ An ước tính khoảng 2,2 tấn trong tổng số 13,4 tấn chất thải y tế. Trong đó, chất thải nguy hại lây nhiễm chiếm chủ yếu với khoảng 2 tấn/ngày và chất thải nguy hại không lây nhiễm khoảng hơn 200kg/ngày. Khối lượng chất thải y tế phát sinh từ các nguồn thải nhỏ chưa có những con số thống kê cụ thể và chính xác. Dự báo, khối lượng CTYTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ tăng khoảng 5%/năm, ước tính đến năm 2020 là 2,55 tấn/ngày và đến năm 2025 là 3,25 tấn/ngày, trong đó thành phần chất thải không có nhiều thay đổi. Chất thải y tế nguy hại phát sinh, nếu không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình kỹ thuật sẽ là nguồn gốc ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cán bộ y tế, bệnh nhân, cộng đồng dân cư và môi trường xung quanh.
Rác thải y tế nếu không được xử lý đúng cách sẽ cực kỳ nguy hại. Nguồn: Internet
Hiện 12/29 cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An có lò đốt xử lý CTYTNH còn hoạt động. Trong khuôn khổ dự án ”Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” vay vốn Ngân hàng Thế giới, tỉnh Nghệ An được đầu tư 08 công trình xử lý và tiêu hủy chất thải rắn lây nhiễm công nghệ không đốt, đi vào sử dụng từ tháng 04/2017. Ngoài ra, hệ thống thiết bị xử lý chất thải lây nhiễm công nghệ hấp ướt cũng đang được đầu tư xây dựng tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Ung bướu bằng nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường Trung ương và ngân sách sự nghiệp địa phương.
Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2018, vẫn còn 5/12 cơ sở có lò đốt CTYTNH còn hoạt động trên địa bàn chưa ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do khí thải từ lò đốt chưa đạt quy chuẩn cho phép. Thực tế cho thấy, một số lò đốt CTYTNH hiện đã bị xuống cấp, không được vận hành thường xuyên, hiệu quả thấp dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Rác thải y tế cần được xử lý triệt để
Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2025 nhằm tăng cường quản lý CTYTNH trên địa bàn, tạo thuận lợi trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho cộng đồng. 100% lượng CTYTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, CTYTNH trong một cụm được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý đáp ứng yêu cầu quy định của một cơ sở trong cụm. Các cơ sở y tế vệ tinh được nhận xử lý CTYTNH trong cụm có nhu cầu xử lý CTYTNH do không có hệ thống, thiết bị xử lý CTYTNH theo quy định hoặc không đủ khả năng xử lý hết CTYTNH tại đơn vị mình. Tuy nhiên, tổng lượng CTYTNH xử lý không được vượt quá khả năng xử lý của hệ thống xử lý CTYTNH tại cơ sở xử lý cho cụm. Ưu tiên việc xử lý CTYTNH cho các cơ sở y tế theo mô hình cụm bằng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường.
Thu gom chất thải y tế tại các bệnh viện. Nguồn: Internet
Đối với các cụm xử lý chất thải y tế nguy hại, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương và Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc xử lý chất thải lây nhiễm (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải giải phẫu) cho các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã và các cơ sở hành nghề tư nhân trên địa bàn huyện Đô Lương, huyện Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn.
Đối với chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải giải phẫu và chất thải nguy hại không lây nhiễm, hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý; tự xử lý bằng lò đốt còn hoạt động hiệu quả nhưng phải đảm bảo kết quả quan trắc định kỳ nằm trong giới hạn cho phép và đáp ứng các quy chuẩn về môi trường theo quy định hiện hành; hoặc xử lý bằng phương pháp khác nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đối với các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm và đã trang bị lò đốt chuyên dụng hoặc các hệ thống, thiết bị xử lý khác đáp ứng chất lượng phát thải theo quy định thì được xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trong khuôn viên cơ sở y tế của mình. Trường hợp CTYTNH phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở thì phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng phù hợp xử lý. Các cơ sở y tế còn lại thực hiện chuyển giao chất thải y tế nguy hại cho các đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển đi xử lý theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.
Các cơ sở y tế thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ theo đúng quy định được giao. Trong đó, đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 80C, thời gian lưu trữ tối đa là 07 ngày. Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín. Đối với chất thải lây nhiễm được vẩn chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm, phải ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 200C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày.
Để thực hiện tốt Kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật; phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng đơn giá xử lý CTYTNH đối với các cơ sở y tế theo mô hình cụm, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm triển khai xử lý CTYTNH mô hình cụm, làm cơ sở triển khai mở rộng về quy mô, công suất đáp ứng nhu cầu xử lý CTYTNH tại tỉnh nói chung và các cụm xử lý nói riêng.
Sở TN&MT phối hợp với Sở Y tế, các ngành và chính quyền địa phương liên quan để giám sát công tác thu gom và sử dụng phương tiện thu gom, vận chuyển CTYTNH theo mô hình cụm theo đúng tuyến và phạm vi thu gom, vận chuyển đã được phê duyệt trong Kế hoạch; chỉ đạo các cơ sở y tế địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện. Sở TN&MT phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý CTYTNH theo đúng quy định.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Công an tỉnh thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo chức năng. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức thông tin, tuyên truyền các nội dung của Kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
UBND các huyện, thành, thị chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh thanh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại. Các địa phương chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý CTYTNH tại các cơ sở y tế trên địa bàn và việc thực hiện vận chuyển CTYTNH từ các cơ sở y tế về cụm xử lý. Người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế thực hiện các yêu cầu theo quy định được giao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 33 bệnh viện, 16 trung tâm Y tế có giường bệnh. Ngoài ra, còn có 04 bệnh viện Bộ, ngành đóng trên địa bàn cũng tham gia khám chữa bệnh cho nhân dân.
|
Kim Oanh - Nghean.gov.vn (Tổng hợp)
|